"Tình hình buộc chúng tôi có hành động quyết đoán và tức thời... Tôi quyết định phát động chiến dịch quân sự đặc biệt!"

Tổng thống Nga Vladimir Putin tuyên bố vào 5h sáng 24/2/2022.

MỘT NĂM NGA - UKRAINE GIẰNG CO
TRÊN CHIẾN TRƯỜNG

Ngay sau bài phát biểu trước toàn quốc của Tổng thống Nga Vladimir Putin, hàng loạt tên lửa ồ ạt tập kích các mục tiêu khắp Kiev, Kharkov, Odessa và vùng Donbass trong nỗi bàng hoàng của người dân Ukraine và cả thế giới.

Vài giờ sau, trong cuộc gọi với VnExpress từ Kiev, giữa tiếng tên lửa rền vang sáng 24/2/2022, Andrey Buzarov, chuyên gia trong nhóm phân tích KievStratPro, từng làm cố vấn cho Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội và Bộ Ngoại giao Ukraine, nói rằng ông không lo lắng khi "chiến dịch quân sự đặc biệt" của Nga bắt đầu. Ông và gia đình quyết định ở lại Kiev, như nhiều người Ukraine khác và lãnh đạo của họ.

Buzarov không sợ hãi, bởi ông lúc đó dự đoán cuộc chiến chỉ kéo dài vài tuần hoặc vài tháng. "Ukraine đã chuẩn bị cho ngày này suốt 8 năm qua. Lực lượng vũ trang sẵn sàng để kháng chiến và người dân nước tôi cũng không dễ hoảng sợ", ông nhấn mạnh.

Nhưng ông dường như không lường được rằng một năm sau, cuộc chiến vẫn diễn ra giằng co, khốc liệt, đẫm máu, với những tác động vượt qua biên giới Ukraine, trở thành cuộc đối đầu rộng lớn hơn, gay gắt hơn giữa Nga và phương Tây, làm thay đổi bàn cờ địa chính trị thế giới.

Diễn biến chiến sự

Tốc chiến

Chiến sự mở màn bằng hàng chục đợt tập kích tên lửa hành trình Nga vào các thành phố trên toàn lãnh thổ Ukraine. Bộ binh Nga tiến theo ba mũi bắc, đông và nam theo chiến thuật "tốc chiến, tốc thắng".

Nga nhanh chóng chiếm được thành phố Kherson, nhà máy điện hạt nhân Zaporizhzhia và trung tâm hậu cần Izyum.

Nga huy động đoàn xe quân sự dài 64 km để tiến vào Kiev nhưng không thành công. Nỗ lực khép gọng kìm ở Kharkov cũng thất bại.

Vây hãm

Nga rút khỏi miền bắc Ukraine, tập trung vây hãm các thành phố lớn ở miền đông và miền nam.

Sau nhiều tuần vây hãm, Nga kiểm soát Mariupol vào 16/5, sau đó chiếm Severodonetsk và Lysychansk bằng chiến thuật tương tự, kiểm soát toàn bộ Lugansk vào tháng 7.

Phản công

Sau nỗ lực nghi binh thành công, Ukraine mở chiến dịch phản công chớp nhoáng ở Kharkov và ở Kherson, giành lại 17.000 km2 lãnh thổ. Nga co cụm phòng thủ ở miền đông và miền nam, khiến đà tiến của Ukraine chững lại.

Sáp nhập 4 tỉnh

Vào tháng 10, Nga sáp nhập 4 tỉnh Ukraine miền đông và miền nam Ukraine, gồm Donetsk, Lugansk, Zaporizhzhia và Kherson, dù chưa kiểm soát hoàn toàn tỉnh nào.

Chỉ sau một đêm, chiến dịch quân sự của Nga ở 4 tỉnh này trở thành nỗ lực "bảo vệ lãnh thổ". Nga cũng huy động hơn 300.000 quân theo lệnh động viên một phần để tung ra tiền tuyến.

Cầu Kerch nối bán đảo Crimea với vùng Krasnodar bị đánh bom ngày 8/10. Nga cáo buộc Ukraine đứng sau vụ tấn công và liên tục tập kích hạ tầng năng lượng đối phương để đáp trả.

Chiến dịch tấn công mới

Sau thời gian co cụm phòng thủ, Nga mở đợt tấn công mới, với tâm điểm giao tranh tại Bakhmut và các thành phố lân cận ở vùng Donetsk. Hai bên đều hứng chịu thương vong lớn do pháo binh và UAV.

Nga chiếm thành phố Soledar, siết gọng kìm với Bakhmut, nhưng không thể tiến nhanh trước sức kháng cự của quân đội Ukraine. Nga hiện kiểm soát 18,1% lãnh thổ Ukraine và có thể mở rộng đà tấn công để phá thế bế tắc trên chiến trường.

Giữa những trận tiến công, phản công dường như bất tận trong một năm qua, cả quân đội Nga và Ukraine đều tuyên bố gây thiệt hại lớn với sinh lực đối phương. Na Uy đầu năm nay nhận định quân đội Nga tổn thất khoảng 180.000 người, còn phía Ukraine là hơn 100.000 người. Các nguồn phương Tây khác ước tính cuộc chiến đã gây ra khoảng 150.000 thương vong cho quân đội mỗi bên.

Hai bên đều không công khai con số thương vong, nhằm giữ tinh thần cho binh sĩ. Tuy nhiên, những trận chiến giằng co, vây hãm, chiến tranh chiến hào với hỏa lực pháo binh được tận dụng tối đa như thời Thế chiến II đều gây tổn thất lớn về người.

Trong khi chiến sự chủ yếu diễn ra ở Donbass, miền đông Ukraine, đau thương và tang tóc bao phủ toàn đất nước này suốt một năm qua. Theo Văn phòng Cao ủy Nhân quyền Liên Hợp Quốc (UNHCR), chiến sự đã khiến hơn 7.000 dân thường thiệt mạng và hơn 11.700 người bị thương. Con số thực tế có thể cao hơn nhiều.

Một năm Ukraine hoang tàn trong lửa đạn

Nhà cửa, hàng loạt công trình hạ tầng giao thông, trường học, bệnh viện khắp nhiều thành phố Ukraine đã trở thành đống gạch vụn sau những trận không kích, pháo kích dữ dội. Theo Statista, nền tảng thống kê dữ liệu hàng đầu thế giới, tổng thiệt hại về nhà cửa, hạ tầng giao thông của Ukraine trong 12 tháng chiến sự lên tới hơn 85,8 tỷ USD.

"Chiến dịch của Nga ở Ukraine tiếp tục gây ra thiệt hại khủng khiếp", Anna Bjerde, quan chức Ngân hàng Thế giới (WB), nói.

WB hồi tháng 10/2022 dự báo nền kinh tế Ukraine giảm 35% trong năm 2022. Quá trình tái thiết Ukraine sau chiến sự sẽ tiêu tốn khoảng 349 tỷ USD, theo một đánh giá chung của chính phủ Ukraine, Ủy ban châu Âu và WB vào tháng 9.

Hàng loạt biểu tượng của cả Ukraine và Nga đã bị hủy hoại trong chiến sự. Từ vận tải cơ An-225 lớn nhất thế giới bị phá hủy ở sân bay Antonov, đến nhà máy thép Azovstal bị tàn phá sau gần ba tháng Mariupol bị vây hãm. Từ soái hạm Moskva chìm trên Biển Đen, đến cầu Kerch nối bán đảo Crimea với lục địa Nga, hay đường ống Nord Stream dưới đáy biển Baltic, tất cả đều chịu ảnh hưởng nặng nề từ khói lửa chiến sự.

Chiến thuật tập kích vào hạ tầng năng lượng mà Nga áp dụng gần đây đang đe dọa nghiêm trọng cuộc sống của người dân Ukraine, khi họ phải sống trong cảnh không điện, nước, khí đốt giữa mùa đông khắc nghiệt.

"Cuộc sống của phần lớn người dân vùng Donbass đã thay đổi hoàn toàn từ hơn 8 năm trước, khi xung đột với phe ly khai bùng nổ. Giờ đây, cuộc sống của họ đã bị hủy hoại hoàn toàn. Phần lớn người Donbass phải thêm một lần nữa đi tìm nơi khởi đầu cuộc sống mới", Buzarov cho biết.

Nhiều người thân, bạn bè của Buzarov hòa vào dòng chảy gần 8 triệu người rời khỏi Ukraine sang tị nạn ở các nước châu Âu. Trong lãnh thổ Ukraine, khoảng 5,4 triệu người rời bỏ nhà cửa để lánh nạn, khoảng 17,7 triệu người cần hỗ trợ nhân đạo. Con mất cha, vợ mất chồng, hàng triệu gia đình ly tán.

Câu hỏi mà cả thế giới đã đặt ra trong một năm qua là vì sao cuộc chiến nổ ra, và lý do nó tiếp tục kéo dài bất chấp những nỗ lực ngoại giao nhằm tìm giải pháp chấm dứt xung đột.

Những biểu tượng bị hủy hoại trong chiến sự

An-225, vận tải cơ lớn nhất thế giới

An-225 bị phá hủy sau các cuộc không kích của Nga hồi tháng 2/2022 vào sân bay Antonov, gần Kiev.

Đây là chiếc An-225 duy nhất trên thế giới và là niềm tự hào của Ukraine. Máy bay có chiều dài 84 m, vận chuyển tối đa 250 tấn hàng hóa.

Nhà máy thép Azovstal

Azovstal, một trong những nhà máy thép lớn nhất Ukraine, bị tàn phá khi lực lượng Nga vây hãm cơ sở để kiểm soát thành phố cảng chiến lược Mariupol hồi tháng 3 - 5/2022.

Soái hạm Moskva

Tàu tuần dương Moskva, soái hạm của Hạm đội Biển Đen Nga, bị chìm hồi tháng 4/2022. Ukraine tuyên bố dùng tên lửa bắn cháy soái hạm trong khi Nga nói tàu chiến bị nổ kho đạn do hỏa hoạn.

Đây được coi là tổn thất nghiêm trọng với Nga, bởi soái hạm Moskva là tàu chiến mặt nước có uy lực nhất trong khu vực.

Đường ống Nord Stream

Hai đường ống khí đốt Nord Stream 1 và 2 từ Nga qua biển Baltic đến Đức cuối tháng 9 bị rò rỉ 4 điểm.

Các nước cho rằng đây là hành vi phá hoại có chủ đích nhưng chưa xác định được bên nào đứng sau sự việc.

Cầu Kerch

Cầu Kerch nối vùng Krasnodar ở tây nam Nga với bán đảo Crimea đầu tháng 10/2022 hứng chịu một vụ nổ, khiến hai nhịp cầu sập xuống biển và ba người thiệt mạng.

Nga nhận định đây là vụ đánh bom xe trên cầu, cáo buộc Ukraine đứng sau. Kiev không nhận trách nhiệm về sự việc.

Mồi lửa xung đột

Từ đầu tháng 2/2022, thiếu tướng Kyrylo Budanov, tổng cục trưởng Tổng cục Tình báo Quân đội Ukraine, đã quả quyết với Tổng thống Volodymyr Zelensky và các lãnh đạo đang hoài nghi trong chính phủ rằng Nga sắp mở chiến dịch tấn công quy mô lớn. Thời điểm đó, Nga đã tập trung gần 200.000 quân ở sát biên giới Ukraine, trong khi Tổng thống Putin liên tục chỉ trích tham vọng gia nhập NATO của Kiev.

Nhà phân tích Buzarov cho hay ông đã không bất ngờ khi chiến sự nổ ra, vì mồi lửa xung đột đã âm ỉ từ trước đó rất lâu.

Phong trào ly khai được Nga hậu thuẫn nổ ra ở Donetsk và Lugansk, thuộc vùng Donbass từ tháng 4/2014 và biến thành cuộc xung đột kéo dài 8 năm với quân đội chính phủ Ukraine, khiến hơn 14.000 người thiệt mạng.

Xung đột ở Donbass chỉ giảm nhiệt khi nhóm Bộ Tứ Normandy, gồm Nga, Ukraine, Pháp và Đức, ký thỏa thuận Minsk tại thủ đô Belarus năm 2015. Tuy nhiên, thỏa thuận Minsk chưa từng được triển khai đầy đủ, khiến giao tranh vẫn tiếp diễn trong suốt những năm sau đó, cho đến khi ông Putin phát động chiến dịch quân sự với lý do bảo vệ hai vùng ly khai Donetsk và Lugansk ở vùng Donbass.

Ông Putin hôm 21/2/2022 ký sắc lệnh công nhận độc lập đối với hai vùng ly khai, đồng thời cáo buộc "các phần tử phát xít" Ukraine dàn dựng "cuộc diệt chủng" ở miền đông.

"Trong 8 năm qua, chúng ta đã làm mọi thứ khả dĩ để giải quyết tình hình bằng biện pháp hòa bình và con đường chính trị, nhưng tất cả đều vô nghĩa", Tổng thống Putin tuyên bố. "Chúng ta cần chấm dứt lập tức cơn ác mộng này, chấm dứt cuộc diệt chủng nhắm vào hàng triệu người ở Donbass, những người chỉ biết trông cậy vào chúng ta".

Ukraine bác bỏ cáo buộc "diệt chủng", nhưng không có những biện pháp thực tế để trấn an những lo ngại của Nga. "Ukraine đã không thể giải quyết vấn đề ở Donbass và các nước cộng hòa ở đó mong đợi Nga đến giúp họ", Tổng thống Nga nói trong Thông điệp Liên bang ngày 21/2.

"Tôi nghĩ rằng cuộc chiến giữa Nga và Ukraine là điều không thể tránh khỏi, vì thực chất các bên không tìm được giải pháp chính trị nào cho vấn đề Donbass trong giai đoạn 2014-2022. Giải pháp chính trị là kịch bản không có thực", Buzarov nói.

Một mồi lửa khác châm ngòi xung đột là tham vọng gia nhập NATO của Ukraine và mối quan hệ ngày càng căng thẳng giữa Nga với liên minh quân sự này.

Kể từ khi ra đời, NATO đã không ngừng mở rộng về phía đông, kết nạp thêm nhiều thành viên và ngày càng tiến sát biên giới Nga. Trong 20 năm sau khi Liên Xô tan rã, tất cả các đồng minh cũ của Moskva trong khối Hiệp ước Warsaw đều trở thành thành viên NATO. Liên minh hiện nay có tổng cộng 30 thành viên, trong đó một số nước có chung biên giới với Nga.

Cùng với đà đông tiến không ngừng, NATO trở thành "cái gai" trong mắt Nga. Năm 2019, quyết tâm gia nhập NATO được Ukraine đưa vào hiến pháp. Moskva coi việc Kiev gia nhập NATO là "lằn ranh đỏ", có thể đẩy Nga và NATO đến bờ vực xung đột nếu liên minh đặt cơ sở hạ tầng quân sự tại Ukraine.

"Cỗ máy chiến tranh của NATO hỗ trợ 'Đức quốc xã mới' ở Ukraine đang di chuyển và áp sát biên giới Nga", Tổng thống Putin cho hay, thêm rằng các hành động của NATO đi ngược đạo đức và Nga không thể phát triển, cảm thấy an toàn hoặc tồn tại với những mối đe dọa thường xuyên từ Ukraine.

"Một đất nước thân phương Tây nằm ngay sát biên giới sẽ gây ra những vấn đề lớn cho ông Putin, về an ninh và cơ sở quyền lực", Barry Pavel, phó chủ tịch Hội đồng Đại Tây Dương, nói.

Tháng 12/2021, Nga gửi danh sách các yêu cầu an ninh cho Mỹ, trong đó kêu gọi NATO ngừng mở rộng về phía đông, chấm dứt hỗ trợ quân sự cho Ukraine. Mỹ từ chối, khiến Moskva chỉ trích Washington "khước từ các đề xuất an ninh một cách ngạo mạn".

"Chính sách mở rộng cánh cửa gia nhập của NATO đã làm tăng thêm xích mích với Nga", Mary Sarotte, nhà sử học về quan hệ quốc tế tại Đại học Johns Hopkins, nói. "Tôi tin ông Putin thực sự tức giận với cách mà trật tự thế giới hậu Chiến tranh Lạnh cho Nga ra rìa".

70 năm NATO hướng đông

1949

NATO thành lập năm 1949 với 12 thành viên, là khối an ninh thời Chiến tranh Lạnh phục vụ mục tiêu đối đầu với Liên Xô.

1952 – 1982

NATO kết nạp Hy Lạp và Thổ Nhĩ Kỳ trong đợt mở rộng đầu tiên năm 1952. Năm 1955, Tây Đức (sau này là Đức) gia nhập NATO, khiến Liên Xô và 7 nước Đông Âu lập khối Hiệp ước Warsaw đáp trả. Tây Ban Nha trở thành thành viên thứ 16 năm 1982.

1999

Cộng hòa Czech, Hungary và Ba Lan gia nhập NATO, sau khi Liên Xô và khối Hiệp ước Warsaw tan rã năm 1991.

2004 – 2009

2004 là năm NATO kết nạp nhiều thành viên nhất, với 7 nước Bulgaria, Estonia, Latvia, Litva, Romania, Slovakia và Slovenia. Albania và Croatia gia nhập liên minh năm 2009.

2017 – 2020

Montenegro và Bắc Macedonia lần lượt gia nhập NATO năm 2017 và 2020, trở thành thành viên thứ 29 và 30.

2022

Phần Lan, Thụy Điển nộp đơn xin gia nhập NATO vào tháng 5/2022 và đã được 28/30 thành viên liên minh chấp thuận. Hai quốc gia chưa phê chuẩn là Thổ Nhĩ Kỳ và Hungary.

Ukraine nộp đơn xin gia nhập NATO tháng 9/2022, sau khi Nga tuyên bố sáp nhập 4 tỉnh nước này.

Sau một năm chiến sự dai dẳng, xung đột ngày càng cho thấy nó không chỉ là cuộc giằng co giữa Nga và Ukraine mà là một cuộc đối đầu quyết liệt giữa Nga với phương Tây, khi hai bên ngày càng đổ nhiều nguồn lực, vũ khí vào chiến địa nóng bỏng.

Trong giai đoạn đầu chiến sự, phương Tây chủ yếu chuyển cho Ukraine những vũ khí cá nhân, uy lực nhất là tên lửa chống tăng Javelin và tên lửa phòng không vác vai Stinger. Nhưng càng ngày nguồn lực tài chính, quân sự mà Mỹ và các đồng minh châu Âu đổ vào Ukraine càng nhiều, với những khí tài hiện đại và uy lực hơn.

Khi Nga tận dụng ưu thế về pháo binh vây hãm các thành phố miền đông Ukraine, phương Tây đã viện trợ loạt pháo hạng nặng, trong đó có lựu pháo và pháo phản lực HIMARS có thể tấn công sâu bên trong hậu tuyến Nga, phá hủy kho đạn dược và làm gián đoạn nguồn tiếp tế của đối phương.

Để đối phó với chiến thuật không kích của Nga vào loạt thành phố khắp Ukraine, Mỹ và đồng minh cung cấp các tổ hợp phòng không hiện đại, trong đó có Patriot, loại tên lửa phòng không hàng đầu thế giới.

"Nếu không có viện trợ từ Mỹ và sau đó là những hỗ trợ rộng rãi hơn của châu Âu, Ukraine đã sụp đổ", Mark Cancian, cố vấn cấp cao tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS), nhấn mạnh. "Những hỗ trợ này mang tính sống còn và tiếp tục duy trì nó là điều vô cùng quan trọng".

Vài tháng qua, khi lực lượng Nga tăng cường tấn công vào thành phố Bakhmut thuộc vùng Donetsk, phương Tây đã đồng ý chuyển giao xe tăng chiến đấu hiện đại cho Ukraine như Challenger 2, Leopard 2 hay M1 Abrams.

Những vũ khí này được Ukraine kỳ vọng sẽ tạo đột phá trên chiến trường, nhưng nỗ lực kêu gọi viện trợ khí tài có thể chưa kết thúc. Các quan chức Ukraine đang thúc giục đồng minh cung cấp tiêm kích, loại vũ khí mà phương Tây còn ngần ngại chuyển giao vì lo sợ gia tăng căng thẳng với Nga.

Những khí tài nổi bật trong chiến sự
(Bấm vào biểu tượng để xem chi tiết)

Pháo tự hành 2S19 MSTA

Tập kích những vị trí Ukraine như công sự, kho đạn, sở chỉ huy tiền tuyến, cũng như yểm trợ hỏa lực cho các mũi tiến công của lực lượng Nga. 2S19 MSTA có khả năng triển khai và di chuyển nhanh chóng sau khi khai hỏa để tránh bị phản pháo.

Xe tăng T-72

Loại xe tăng chủ lực Nga sử dụng trên chiến trường, tham gia tiến công vị trí đối phương, cũng như phòng thủ và pháo kích tầm gần.

Xe tăng T-90

Được triển khai với số lượng hạn chế, thường phối hợp với bộ binh cơ giới và pháo binh tập kích chớp nhoáng vị trí đối phương.

Pháo phản lực BM-27 Uragan

Có nhiệm vụ tập kích vị trí đối phương từ khoảng cách xa và nhanh chóng rời vị trí khai hỏa để tránh bị phản pháo.

Tên lửa S-300

Tiêu diệt các mục tiêu trên không như tiêm kích và máy bay không người lái của Ukraine, bảo vệ các khu vực Nga kiểm soát.

Tiêm kích Su-35S

Khống chế không quân Ukraine, cũng như tham gia các đợt không kích nhằm vào mục tiêu dưới mặt đất để yểm trợ bộ binh.

Pháo tự hành PzH 2000

Mẫu pháo tự hành phương Tây chuyển cho Ukraine với tốc độ bắn cao và khả năng di chuyển linh hoạt. PzH 2000 tham gia tập kích vị trí của Nga trên tiền tuyến, cũng như kho đạn và sở chỉ huy.

Xe tăng T-64

Xe tăng chủ lực của Ukraine, chủ yếu làm nhiệm vụ phòng thủ tại các đô thị và khu dân cư họ kiểm soát. Ukraine điều một số xe tăng T-64 tham gia đợt phản công chớp nhoáng tháng 9-11/2022.

Xe chiến đấu bộ binh M2 Bradley

Khí tài do Mỹ sản xuất, tham gia các mũi tiến công của bộ binh cơ giới Ukraine, chuyển binh sĩ ra hoặc vào khu vực giao tranh. Ngoài ra, thiết giáp M2 còn thực hiện nhiệm vụ phòng thủ tại các khu vực Ukraine kiểm soát.

Pháo phản lực HIMARS

Pháo phản lực do Mỹ sản xuất với vai trò chủ chốt trong chiến dịch phản công chớp nhoáng của Ukraine tháng 9-11/2022. Tham gia các đợt tập kích bất ngờ và di chuyển nhanh chóng để tránh bị phản pháo.

Tên lửa Patriot

Phòng thủ các khu vực trọng yếu của Ukraine, đặc biệt là thủ đô Kiev, trước các đợt tập kích tên lửa và máy bay không người lái của Nga.

Tiêm kích MiG-29

Tham gia đối phó máy bay không người lái của Nga. Số lượt xuất kích và tầm hoạt động hạn chế do bị phòng không cùng không quân đối phương khống chế vùng trời.

PHƯƠNG TÂY/UKRAINE

Dòng chảy vũ khí không ngừng của phương Tây thể hiện thay đổi trong quan điểm của họ về chiến sự. Ban đầu, họ chỉ hỗ trợ đủ để Ukraine giữ vững phòng tuyến, chờ cơ hội đàm phán hòa bình. Hiện giờ, Mỹ và đồng minh nhất trí rằng cách duy nhất để thuyết phục Nga chấm dứt chiến dịch là giúp lực lượng vũ trang Ukraine tái kiểm soát càng nhiều lãnh thổ càng tốt.

"Xung đột không còn đơn thuần là cuộc chiến giữa Nga và Ukraine. Nhìn một cách khái quát, nó đã leo thang thành va chạm giữa hai nền văn minh Đông và Tây Âu", Buzarov nhận xét.

Nga luôn phản đối phương Tây bơm vũ khí cho Ukraine, kêu gọi chấm dứt hành động này với lý do viện trợ liên tục chỉ kéo dài chiến sự và gây thêm đau khổ cho người dân, thay vì làm thay đổi kết quả cuối cùng của xung đột.

"Mỹ và các đồng minh chỉ muốn cuộc xung đột càng kéo dài càng tốt", Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergey Shoigu tuyên bố. "Để làm điều đó, họ bắt đầu cung cấp các vũ khí hạng nặng, công khai hối thúc Ukraine giành lãnh thổ của chúng tôi. Trên thực tế, những bước đi như vậy đang kéo các nước NATO vào xung đột và có thể dẫn đến mức độ leo thang khó lường".

Chủ tịch Hạ viện Nga Vyacheslav Volodin tháng trước cảnh báo việc phương Tây tiếp tục cung cấp vũ khí tấn công cho Ukraine đang đẩy thế giới vào "cuộc chiến khủng khiếp".

Dimitri Trenin, chiến lược gia ủng hộ Điện Kremlin, gần đây thừa nhận thách thức lớn nhất ngăn Nga giành chiến thắng lâu dài là phải "đơn thương độc mã" giữa xung đột, trong khi Ukraine có phương Tây sát cánh. Ở các cuộc chiến quy mô lớn trước đây, Nga từng là một phần liên minh châu Âu rộng lớn, nhưng giờ đây, "lần đầu tiên trong lịch sử, Nga không có bất kỳ đồng minh nào ở phương Tây".

Trái lại, liên minh chống Nga đã vượt ra ngoài châu Âu, khi một số nước như Nhật Bản, Hàn Quốc cũng thể hiện quan điểm đứng về phía Ukraine. "Mức độ gắn kết giữa các nước nói tiếng Anh, châu Âu và đồng minh châu Á của Mỹ đã đạt đến ngưỡng chưa từng thấy trước đây", Trenin nhấn mạnh.

Hệ lụy

Thế đối đầu giữa Nga và phương Tây không chỉ thể hiện qua viện trợ quân sự, mà còn diễn ra trên nhiều mặt trận khác.

Phương Tây đã tung ra 9 gói trừng phạt với Nga trên nhiều lĩnh vực. Châu Âu cũng quay lưng với năng lượng Nga, đồng thời áp hạn chế với dầu thô, khí đốt của nước này. Để đáp trả, Nga biến năng lượng thành "vũ khí" để gây đau đớn cho châu Âu vào mùa đông.

Moskva giảm dần nguồn cung khí đốt tới các nước châu Âu, rồi tiến tới cắt hẳn dòng chảy khí đốt qua đường ống Nord Stream. Nga từng là bên chiếm tỷ trọng lớn nhất trong số những nhà xuất khẩu dầu và khí đốt cho EU, nhưng liên minh giờ đây đang tìm đến những bên cung cấp khác để lấp đầy khoảng trống từ Moskva.

Những đòn "ăn miếng trả miếng" giữa Nga và phương Tây đã tạo ra một cuộc khủng hoảng toàn cầu với nhiều hệ lụy.

Giá khí đốt tự nhiên đã chạm mức cao nhất trong nhiều năm và giá dầu từng cán mốc 140 USD/thùng, gần mức cao kỷ lục mọi thời đại, làm trầm trọng thêm vòng xoáy lạm phát hậu đại dịch Covid-19, gây ra cuộc khủng hoảng chi phí sinh hoạt ở nhiều quốc gia.

Nhiều quốc gia, trong đó có Mỹ, Anh, chứng kiến mức lạm phát cao kỷ lục trong hàng chục năm. Giới chuyên gia cho biết chưa bao giờ thế giới chứng kiến nhiều bất ngờ về lạm phát đến vậy.

Tuy nhiên, sau một năm chiến sự, đang có dấu hiệu rằng cả Nga và phương Tây đều thích ứng được với cú sốc kinh tế. Sau thời kỳ lập đỉnh trong chiến sự, giá lương thực và năng lượng toàn cầu đang về gần mức một năm trước. Châu Âu được cho là đã vượt qua mùa đông mà không phải hứng chịu cuộc khủng hoảng năng lượng tồi tệ như nhiều người lo ngại.

Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) ước tính nền kinh tế toàn cầu vẫn tăng trưởng 3,4% trong năm ngoái, dù thấp hơn một điểm phần trăm so với dự báo từ trước khi chiến sự bắt đầu.

Tổng thống Putin cũng khẳng định Nga đang vượt qua vòng vây trừng phạt. IMF tháng trước dự báo nền kinh tế Nga sẽ tăng trưởng 0,3% trong năm 2023. Hồi tháng 10/2022, IMF từng cho rằng kinh tế Nga sẽ giảm 2,3% trong năm nay.

Một cuộc khảo sát do tổ chức thăm dò ý kiến độc lập Trung tâm Levada tiến hành vào tháng 9 năm ngoái cho thấy phần lớn người Nga không lo ngại về các biện pháp trừng phạt.

Xung đột Ukraine còn làm gia tăng thế giằng co và đối đầu trên bàn cờ địa chính trị thế giới, thúc đẩy các quốc gia hướng đến những khối liên kết mới.

Phần Lan và Thụy Điển đã nộp đơn xin gia nhập NATO, kết thúc nhiều thập kỷ duy trì quan điểm trung lập. Việc kết nạp hai nước Bắc Âu sẽ thay đổi bản đồ an ninh châu Âu bằng cách bổ sung thêm năng lực quân sự cho liên minh.

Nga ráo riết tăng cường hợp tác với Ấn Độ, Trung Quốc, đa dạng hóa mối quan hệ địa chính trị, kinh tế và chiến lược với Thổ Nhĩ Kỳ, Trung Đông, Iran và châu Phi nhằm phá vỡ thế cô lập về ngoại giao.

"Thế giới quá lớn để châu Âu và Mỹ có thể cô lập bất kỳ quốc gia nào, đặc biệt một nước lớn như Nga", người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov nói.

Trong Thông điệp Liên bang ngày 21/2, Tổng thống Putin bất ngờ tuyên bố đình chỉ tham gia New START, hiệp ước kiểm soát hạt nhân cuối cùng giữa Nga và Mỹ. Quyết định này được đánh giá là bước leo thang đáng lo ngại trong quan hệ Nga - Mỹ, có thể châm ngòi cho cuộc chạy đua vũ trang toàn cầu, đẩy nhân loại vào rủi ro hạt nhân lớn hơn.

Chiến trường
bế tắc

Giới chuyên gia đánh giá rằng dù một năm đã trôi qua, chiến sự Ukraine chưa có dấu hiệu sẽ sớm kết thúc. Chia sẻ với VnExpress, Carl Schuster, giảng viên Đại học Hawaii Pacific, Mỹ, cho rằng với thế trận giằng co trên chiến trường lẫn bàn cờ địa chính trị quốc tế, hai bên đều quyết tâm dồn nguồn lực và ý chí chính trị để giành chiến thắng, khiến các nỗ lực đàm phán ngoại giao rơi vào bế tắc.

Trong khi Nga huy động nguồn lực trong nước và tranh thủ sự ủng hộ từ các đối tác như Trung Quốc, Ukraine nhận được những cam kết hỗ trợ "đến khi nào cần thiết" từ phương Tây.

"Chừng nào cả hai nước đều còn nguồn lực về vũ khí và ý chí chính trị, cuộc chiến vẫn tiếp tục kéo dài".Carl Schuster, giảng viên Đại học Hawaii Pacific, Mỹ

Nhà phân tích Buzarov cho rằng cuộc chiến sẽ tiếp diễn trong năm nay và kéo dài qua năm sau với những cuộc tiến công và phản công liên tục, nhưng sẽ có một số "khoảng nghỉ" để hai bên khôi phục lực lượng.

Các chiến dịch không còn diễn ra trên phạm vi rộng lớn như giai đoạn đầu, mà sẽ mang tính cục bộ nhiều hơn, tập trung ở một số thành phố và thị trấn chiến lược. Khi nguồn hỏa lực khổng lồ dồn vào một điểm, cái giá hai bên phải trả về nhân mạng là rất lớn.

Tiến sĩ Christopher Tuck, chuyên gia về xung đột và an ninh tại trường King's College London, cho rằng sau một năm giao tranh, cán cân sức mạnh quân sự đã trở nên cân bằng hơn so với Nga tưởng tượng, khiến chiến trường rơi vào bế tắc vì không ai đạt được lợi thế nổi trội.

"Những hạn chế về chiến thuật, năng lực chỉ huy, hệ thống hậu cần đã góp phần gây ra thất bại ban đầu của Nga, khiến họ gặp khó khăn trong phát triển và thực hiện các chiến lược hiệu quả hơn. Trong khi đó, quân đội Ukraine chiến đấu tốt hơn so với dự kiến của nhiều người, một phần nhờ nguồn viện trợ của phương Tây", tiến sĩ Tuck nói.

Lý do thứ hai khiến chiến sự kéo dài là sau những tổn thất đã hứng chịu, cả hai bên đều không muốn nhượng bộ đối phương để theo đuổi con đường hòa bình vào thời điểm hiện tại, theo Tuck.

"Đối với Ukraine, đây là cuộc chiến giành lại lãnh thổ, kể cả bán đảo Crimea. Còn Tổng thống Putin hiểu rằng cái giá phải trả nếu thất bại sẽ rất cao. Cả hai bên tin rằng kéo dài cuộc chiến là cách giúp cải thiện vị thế của họ cho bất kỳ giải pháp chính trị nào trong tương lai", ông chia sẻ.

Chuyên gia này cho rằng Ukraine hy vọng viện trợ bổ sung từ phương Tây có thể giúp họ lật ngược tình thế, trong khi Nga đặt cược vào những nỗ lực củng cố sức mạnh quân sự, cũng như niềm tin rằng nguồn lực ủng hộ của phương Tây với Ukraine sẽ ngày càng suy giảm.

"Trước khi hai bên đạt được lợi thế quân sự rõ ràng trên chiến trường, xung đột nhiều khả năng vẫn tiếp diễn", Tuck nói.

Giới quan sát nhận định triển vọng về một giải pháp hòa bình ở thời điểm hiện tại khá xa vời. Ukraine tuyên bố chỉ chấp nhận đàm phán hòa bình khi giành lại tất cả vùng lãnh thổ Nga kiểm soát, trong đó có bán đảo Crimea, nhưng đây lại là "lằn ranh đỏ" với ông Putin.

Khi được hỏi điều gì sẽ diễn ra tiếp theo, thiếu tướng Kyrylo Budanov, tổng cục trưởng Tổng cục Tình báo Quân đội Ukraine khẳng định "Ukraine sẽ chiến thắng".

Nhưng Irina Zolotoreva, một phụ nữ Nga 61 tuổi, cho biết nhiều người thân của bà từng chiến đấu ở Stalingrad và bà nhận thấy sự tương đồng giữa những gì đã diễn ra trong trận chiến đó với tình hình Ukraine hiện nay.

"Đất nước chúng tôi đang chiến đấu vì công lý, tự do. Chúng tôi đã giành chiến thắng vào năm 1942 và đó là tấm gương cho thế hệ ngày nay. Tôi nghĩ bây giờ chúng tôi sẽ giành lại chiến thắng, dù bất cứ điều gì xảy ra", bà nói.

Chuyên gia Schuster tin Ukraine đã lên kế hoạch phản công ở Crimea. Trong khi đó, Nga có thể đang chuẩn bị cho một đợt tấn công quy mô lớn ở miền đông và miền nam trong chiến dịch xuân hè, sau nhiều tháng huấn luyện hơn 300.000 quân dự bị. Chiến sự sẽ tăng nhiệt trong vài tuần tới, bởi đây là thời điểm mặt đất đóng băng, tạo điều kiện cho xe tăng, thiết giáp tác chiến ở quy mô lớn.

"Tôi không thấy có triển vọng đàm phán hòa bình cho đến khi ông Zelensky hoặc ông Putin nhận thấy họ phải kết thúc cuộc chiến, do tổn thất quá lớn trên chiến trường hoặc suy giảm ủng hộ chính trị trong nước", Schuster nói.

Xung đột Ukraine càng kéo dài, căng thẳng giữa Nga và phương Tây càng tăng nhiệt. "Tôi nghĩ mọi niềm tin giữa Nga và phương Tây đã tan vỡ", ông nhấn mạnh.

Vườn mai Quốc Trạng Mai vàng An Nhơn Vườn Mai Bình Định Sinzo Shop Sinzo Viewfile Khoan giếng Quảng Ngãi Trái cây sấy nutrilux super flower Konavie Diễn đàn khởi nghiệp Sách khởi nghiệp Kinh doanh Quản trị kinh doanh ebook kinh doanh trường kinh doanh dân kỹ thuật món ngon sài gòn món ngon hà nội món ngon đà nẵng sinh vật cảnh yêu bonsai mai vàng việt nam vườn lan vườn hồng cửa hàng vật tư gần đây phân bón vndan76 vndan78 vndan77 vndan49 vndan81 vndan62 vndan61 vndan63 vndan64 Shop thời trang Top review Top review việt nam vườn kiểng sài gòn shop hoa tươi ở sài gòn shop hoa tươi ở cần thơ shop hoa tươi ở hà nội shop hoa tươi ở đà nẵng shop mỹ phẩm shop quà tặng sinzo việt nam chuyện thương trường hoamaixunau thủ thuật bán hàng mai vàng bonsai Thuốc kích rễ cho mai vàng vinawiki sinzopay Camera phạt nguội Bình Định chat với người lạ chat với người lạ bộ tài liệu quản trị doanh nghiệp bộ quy trình quản lý doanh nghiệp chat với người lạ web vườn mai văn cư hội mai vàng bình định hoamaixunau video yêu hoa xinh ôn thi học kỳ tìm bạn chat sex tra cứu điểm thi THPT QG tra cứu phạt nguồi toàn quốc mai vàng an nhơn diễn đàn hoa mai cafef77 trò chuyện trực tuyến fullvideovn file hoamaixunau gái xinh tiktok sinzo group ohgaixinh linkvip24h hoidap5s web tỏ tình bạn gái còn bao nhiêu ngày nữa đến tết capnhat427 Chợ cảnh hàng diễn đàn mai vàng sinzoshop vườn mai quảng ngãi zadofood Siêu tạo nụ mai vàng Girl xinh mua bán mai vàng bình định viewfiledownload viewfolder Sachhocvn Nguyên liệu ngành sơn mực in

Nội dung: Thế Đại
Đồ họa:
Tiến Thành
Ảnh, video:
AFP, Reuters